Cách làm Chè Lam Phủ Quảng xứ Thanh của mẹ ngày Tết

cach-lam-che-lam-phu-quang-xu-thanh-cua-me-ngay-tet

Chè Lam là một món ăn quen thuộc của nhiều vùng miền nước ta. Đặc biệt trong những ngày tết cổ truyền, mỗi khi khách đến nhà mang đĩa Chè Lam ra mời thật là tuyệt!

Phải nói mỗi vùng miền có một cách làm Chè Lam khác nhau nhưng có lẽ chẳng nơi nào có món Chè Lam độc đáo như vùng Phủ Quảng xứ Thanh – Bởi lẽ Chè Lam Phủ Quảng thơm ngon vì cái vị giòn giòn độc đáo tan ra ngay trên đầu lưỡi.

Cách làm Chè Lam Phủ Quảng xứ Thanh

Nguyên liệu làm chè lam truyền thống

– 200g đường mật

– 50g đường nâu

– 50g mạch nha

– 200g bột nếp

– 1 củ gừng tươi

– 100g lạc rang

– ½ thìa cà phê muối

Cách làm chè lam truyền thống

Bước 1: Làm bột chè lam

– Bột nếp dùng để làm chè lam có thể tìm mua ở các siêu thị, sau đó rang trên chảo nóng, để bếp nhỏ lửa, khi bột có mùi thơm là đạt. Cách 2, bạn có thể rang thơm gạo nếp cái hoa vàng, chú ý thời gian và nhiệt độ để gạo không bị cháy. Khi gạo có mùi thơm thì tắt bếp sau đó để nguội và đem đi xay.

– ⅔ bột gạo nếp để làm chè lam, còn lại để làm lớp bột áo chống dính.

– Lạc rang chín, bỏ vỏ.

– Gừng rửa sạch, lau khô, sau đó thái nhỏ.

Bước 2: Nấu nước đường:

Trộn đều 200g đường mật, 50g đường nâu và 50g mạch nha. Đun nóng chảo trên bếp, sau đó hạ lửa thêm hỗn hợp đường vừa trộn vào, khuấy nhanh tay. Bước này rất quan trọng, đo thời gian nấu đường để đường không bị cháy sém, ăn sẽ đắng. Tiếp theo thêm gừng đã thái nhỏ và lạc rang vào.

Bước 3: Trộn bột làm chè lam:

Sau khi đường đã tan hết, cho từ từ 2/3 bột gạo nếp đã rang vào, để bếp thật nhỏ lửa. Cho bột từ từ từng muỗng nhỏ, đảo liên tục để cho bột hòa quyện với đường rồi với thêm bột. Thêm bột đến khi hỗn hợp dẻo và đặc quánh thì dừng lại và tắt bếp.

Bước 4: Đổ khuôn chè lam:

– Trước khi đổ chè lam, cần chuẩn bị một khay to, lau khô, rải một lớp bột nếp đã rang làm áo cho chè lam.

– Khi chè lam còn nóng nhanh tay đổ chè lam ra khay đã chuẩn bị, nhanh tay dàn đều. Sau đó rải lớp bột làm áo cho chè lam lên trên. Lấy cán bột hoặc chai thủy tinh lăn một lần qua chè lam.

Bước 5: Bảo quản chè lam

Sau khi chè lam nguội, cắt chè lam thành nhiều miếng hình chữ nhật chiều dài khoảng 1,5 cm, đồ dày 0,5 cm là đẹp. Thưởng thức chè lam với nước chè là chuẩn vị. Bọc nilon từng miếng chè lam và bảo quản trong tủ lạnh.

Những lưu ý khi làm chè lam để ngon chuẩn vị truyền thống

– Để giữ đúng hương vị truyền thống của món ăn nên nấu chè lam bằng đường mật mía và mạch nha. Không nên thay thế bằng đường trắng.

– Gừng để nấu chè lam nên chọn gừng tươi, độ già vừa phải. Nếu gừng già quá sẽ làm mất mùi của món ăn.

– Khi nấu bột nếp và đường nên quấy liên tục để bột chín, không bị vón cục. Bước này rất quan trọng và cần nhiều sức. Bột càng hòa quyện chè lam thành phẩm sẽ càng dẻo hơn.

Sơ lược lịch sử món Chè Lam Phủ Quảng

Phủ Quảng là tên gọi xưa của huyện Vĩnh Lộc. Miếng Chè Lam Phủ Quảng tuy rắn nhưng lại giòn tan, chỉ cần vỗ nhẹ là vỡ ra thành từng mảnh nhỏ. Nhưng để được như thế cũng lắm công phu. Gạo nếp được xay nhuyễn bằng cối đá bắc, một phần gạo rang chín đều, lạc rang giã đôi giã ba, gừng tươi đồ chín rồi xắt lát… tất cả những nguyên liệu ấy được ngào chung trong nồi mật mía sánh óng ngọt lừ đang bắt lửa sôi như say trên chảo gang.

Khối mật óng ánh đông lại ôm tất cả vào lòng, rồi lại chờ bàn tay người đảo, luyện như luyện linh đơn tiên dược. Từng giọt mật óng vàng ngoan ngoãn tan ra, thấm sâu vào phiến bột trắng ngần, từng hạt nếp cái hoa vàng vừa biến màu trên chảo gang đỏ lửa. Cái ngọt, cái mềm, cái thơm, cái cay quyện hòa vào nhau, tan biến vào nhau, để đến khi ta cầm trên tay thanh Chè Lam mỏng mảnh phủ ngoài lớp áo bột trắng phau, ta chẳng còn phân biệt được đâu là cái ngọt thanh của nếp cái hoa vàng, đâu là vị ngọt sắc của lóng mía Kim Tân. Ùa vào trong mọi ngõ ngách của các giác quan là cái ngọt đến lịm người, cái dẻo quẹo của hạt nếp, bùi ngậy của lạc nhân và vị gừng cay vừa nồng nàn như cái nắng buổi trưa hè, vừa êm ả như cơn mưa rào mát rượi đổ xuống ngày đầu hạ.

Đã có chè lam thì không thể thiếu ấm nước trà xanh hay trà tàu. Bưng chén trà phảng phất khói mờ và bồng bềnh vài lá trà xanh mềm sâm sẫm, nhấp ngụm trà ngan ngát, cái chan chát đăng đắng làm dịu đi vị ngọt sắc đang còn lưu luyến trên đầu lưỡi. Mộc mạc và dân dã đến vậy nên Chè Lam luôn là nỗi nhớ thẳm sâu trong mỗi người con Phủ Quảng, dù có đi nơi đâu cái hương vị quê nhà vẫn len lỏi trong tâm trí. Nỗi nhớ ấy có vị ngọt ngào của hạt nếp quê, của giọt mật thơm chắt chiu từ lòng đất, hòa lẫn với hương gừng cay nồng nàn sâu lắng, có hình hài miếng bánh nhỏ xinh, cứ giòn tan khúc khích như tiếng cười thơ trẻ.

BẠN NÊN XEM THÊM:

[insert_posts query_type=”tags” tags=”mon-an-ngay-tet” num=”7″ display_style=”list-small”]

Subscribe
Notify of
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy đóng góp ý kiến của bạn nhé !x
()
x