17 Nguyên tắc “Vàng” quyết định sự sống còn trong Bếp!!!

Đối với một đầu bếp mới vào nghề hoặc thậm chí là với các đầu bếp có kinh nghiệm 1 vài năm, cần hiểu rõ những nguyên tắc dưới đây là cách để bạn “sống còn” trong gian bếp chuyên nghiệp.

Xem thêm: Cấp bậc trong nhà bếp khách sạn nhà hàng 5 sao

Paul Sorgule được biết đến như một đầu bếp với nhiều năm kinh nghiệm trong chế biến món ăn, chủ nhà hàng, giám đốc F&B. Trong trang blog cá nhân của mình, anh đã chia sẻ những nguyên tắc để một đầu bếp có thể “sống còn” trong môi trường làm việc vốn có nhiều khó khăn đặc thù của ngành dịch vụ, đặc biệt là nấu ăn. 

7 nguyên tắc này sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần và rèn luyện kỹ năng cho mình trên con đường trở thành đầu bếp chuyên nghiệp.

1. Biết nơi cất nguyên liệu

Trong gian bếp chuyên nghiệp, khối lượng nguyên liệu, gia vị phục vụ cho quy trình nấu nướng là rất lớn. Là một nhân viên làm việc trong khu bếp đó, bạn phải biết rõ và nhớ kỹ từng vị trí đặt để nguyên liệu để quá trình chế biến diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, không bị gián đoạn.

2. Biết sử dụng các công dụng cụ, thiết bị trong bếp và các thiết bị mới

Công dụng cụ, thiết bị trong bếp ăn của các nhà hàng, khách sạn lớn rất đa dạng, hiện đại và tối tân nhằm rút ngắn thời gian chế biến món ăn. Nếu bạn vào bếp mà không biết sử dụng bếp gas, lò nướng, máy hút chân không… thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nguyên một ca làm việc. Ngoài ra, hiểu và dùng được công dụng cụ thiết bị còn giúp bạn kéo dài tuổi thọ của chúng, tránh gây nguy hiểm khi sử dụng.

3. Những câu hỏi không cần thiết không được hoan nghênh

Những câu hỏi đã có câu trả lời rõ ràng, bạn không nên lặp đi lặp lại. Những công việc, bài học đã được hướng dẫn phải ghi nhớ thật kỹ và đừng hỏi đi hỏi lại quá nhiều lần sẽ khiến họ bực bội. Khối lượng công việc và áp lực trong bếp là rất lớn, những câu hỏi không cần thiết hoàn toàn không được hoan nghênh.

4. Đừng chạm vào công dụng cụ cá nhân của người khác – không tò mò

Đối với một số đầu bếp, họ thường có cho mình một bộ công dụng cụ riêng để phục vụ cho quy trình chế biến hoặc ra món. Họ có thể đầu tư nhiều tiền bạc, công sức chăm sóc, niềm đam mê… vào chúng rất lớn. Do đó, nếu chạm vào dụng cụ cá nhân này rất có thể bạn sẽ phải nhận sự khó chịu từ họ. Cách tốt nhất là chúng ta hãy nên tôn trọng các công dụng cụ mang tính chất cá nhân này.

5. “Mise en place” là yếu tố quan trọng nhất

Mise en place là một thuật ngữ trong ngành bếp. Nó có nguồn gốc từ tiếng Pháp và được hiểu là “Everything in place” hay dịch sang tiếng Việt có nghĩa là “Mọi thứ đã sẵn sàng”. Trong nấu ăn, cụm từ này được sử dụng để nói về công đoạn chuẩn bị trước khi bắt đầu giờ phục vụ của một nhà hàng, quán ăn.

Sếp sẽ đánh giá năng lực qua cách tổ chức, sắp xếp, hệ thống cách làm việc của bạn. Tất cả nhân sự trong bếp đều biết “mise en place” là nền tảng của thành công và những người thiếu ngăn nắp, tâm thế thiếu sẵn sàng sẽ khiến cả đội bị kéo xuống. Hãy chuẩn bị thật cẩn thận.

6. Mọi công dụng cụ, gia vị… nằm trong tầm tay

Những đầu bếp chuyên nghiệp thường thiết lập khu vực làm việc rất khoa học sao cho chỉ cần một bước xoay chuyển là đã tiếp cận được với công dụng cụ mà họ cần như chảo, khăn, đĩa, gia vị…

7. Làm việc sạch sẽ

Một đầu bếp giỏi là người giữ gìn sạch sẽ khu vực làm việc của mình và tất nhiên đây là điều rất đáng để tự hào. Bất cứ khi nào có thời gian rảnh, bạn hãy dọn dẹp sạch sẽ khu vực làm việc, quầy rửa chén, vệ sinh dụng cụ…

8. Thông báo về sự hiện diện của mình để tránh va chạm

Cường độ làm việc trong bếp rất lớn, luôn bận rộn và có đôi lúc hỗn loạn. Nhân viên bếp không được phép chạy mà chỉ đi bộ nhanh nhất có thể. Và trên tay đầu bếp luôn là những thứ gì đó mỏng manh, sắc nhọn, nóng hoặc ẩm ướt… Chính vì vậy, bạn phải luôn thông báo sự hiện diện của mình khi di chuyển để tránh va chạm, giữ an toàn cho đồng nghiệp.

9. Hiểu rõ từng nguyên liệu trong món ăn mình sẽ nấu

Trách nhiệm của người làm bếp là phải biết thành phần nguyên liệu mà họ sẽ làm việc. Bạn phải biết trông nó như thế nào? Nằm ở đâu? Được bảo quản như thế nào? Mục đích của chúng là gì? Hương vị ra sao? Làm thế nào để xác định độ tươi?…

10. Nắm rõ phương pháp và quy trình nấu ăn

Công thức nấu ăn là rất quan trọng và là một phần của hệ thống kiểm soát hoạt động trong khu bếp, đảm bảo chi phí, đánh giá chất lượng… Bạn không khó để ghi nhớ và sử dụng phương pháp chế biến một cách nhất quán. Nếu bạn biết cách nướng, bạn sẽ có thể nướng bất cứ thứ gì. Nếu bạn biết cách áp chảo, bạn sẽ có thể áp chảo bất cứ thứ gì…

11. Đừng xâm phạm vào không gian làm việc của người khác

Mỗi đầu bếp trong mọi tình huống cần có không gian riêng để thực hiện một cách thoải mái nhất. Nếu không gian của họ bị xâm phạm thì sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Khi một đầu bếp đã xác định khu vực làm việc thì hãy tôn trọng nó và ở lại phía sau ranh giới này.

12. Xác định thời gian cần thiết cho công việc

Khi được giao một loạt các nhiệm vụ cần phải thực hiện, một đầu bếp chuyên nghiệp sẽ biết bắt đầu bằng cách xác định thời gian cần thiết để hoàn thành một công việc.

13. Làm việc nhanh chóng, tập trung nhưng phải đảm bảo chất lượng

Một trong những kỹ năng quan trọng trong nhà bếp là phải thật nhanh vì sẽ luôn có quá nhiều công việc phải hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn. Giải pháp duy nhất là bạn phải tổ chức, sắp xếp công việc cần ưu tiên và học cách làm việc nhanh hơn. Nhanh nhưng bạn không để xảy ra sự trượt dốc về chất lượng.

Cắt thái nhanh hơn, học cách làm cùng lúc nhiều công đoạn, đặt mục tiêu nhanh, nhanh và nhanh hơn nữa. Hầu hết các đầu bếp chuyên nghiệp cho rằng thiếu sót nghiêm trọng của học viên nghề bếp là họ không biết cách làm đa nhiệm vụ và nhanh chóng.

14. Tạo niềm tin cho đồng nghiệp

Là “lính mới” hãy hiểu rằng, bạn vẫn chưa có được sự tin tưởng của các thành viên còn lại trong bếp. Bạn mất rất nhiều thời gian để xây dựng niềm tin từ người khác nhưng sẽ chỉ có 1 giây để đánh mất tất cả. Sự tin tưởng sẽ xuất phát từ cách bạn hành động, thực hiện công việc, tôn trọng người khác. Nếu không có niềm tin vào nhau nhà bếp sẽ thật sự đi vào bế tắc.

15. Hiểu và tôn trọng quy định trong bếp

Điều quan trọng nhất của các đầu bếp là hiểu và tôn trọng chuỗi mệnh lệnh từ Bếp trưởng – người chỉ huy cao nhất trong khu bếp. Ngoài ra, thực hiện đúng theo những nội quy đề ra trong lúc làm việc cũng rất cần thiết góp phần tạo nên hiệu quả cao trong công việc chung.

16. Ghi chép lại những gì bạn học được mỗi ngày

Hãy mang một cuốn sổ tay trong túi và viết ra những gì bạn học được mỗi ngày từ đồng nghiệp, bếp trưởng.

17. Mỗi nơi làm việc đều khác nhau

Bạn luôn luôn nhớ rằng ở mỗi nơi làm việc có cách thức tổ chức, nội quy, đồng nghiệp, quản lý… khác nhau. Sau một thời gian dài gắn bó, bạn có thể đưa ra những ý tưởng cá nhân một cách thoải mái nhưng hôm nay bạn vẫn là một người mới.

Subscribe
Notify of
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy đóng góp ý kiến của bạn nhé !x
()
x