Bí quyết pha chế nước chấm “đỉnh của chóp” cho các món chiên rán dịp Tết: 3 loại nước chấm thần thánh. Cùng học ngay công thức pha chế nước chấm dưới đây nhé!
Xem thêm: Cách làm kho quẹt tuyệt ngon để chấm rau củ luộc
Có nước chấm ngon thì chẳng lo mâm cơm Tết bị thừa đâu các chị em ơi! Học ngay bí quyết pha chế nước chấm dưới đây nhé
Nếu để ý sẽ không khó để nhận ra rằng hầu như tất cả các món ăn mặn trong mâm cỗ Tết đều cần nước chấm: Từ giò chả đến nem rán, và đương nhiên, không thể thiếu bánh chưng. Trong bài viết này, Học Viện Ẩm Thưc sẽ gợi ý cho bạn 3 cách pha chế nước chấm “cân” được tất cả các món chiên rán.
1. Pha chế nước mắm chua ngọt
Nguyên liệu: 1 muỗng canh nước mắm đậm đà, 1 muỗng canh đường kính, 1/2 muỗng canh nước cốt chanh, 4 muỗng canh nước lọc, 3 – 4 tép tỏi, 1 – 2 quả ớt băm nhỏ.
Cách pha:
Đầu tiên, chị em cho tỏi và ớt băm vào bát cùng với đường và nước cốt chanh và khuấy đều. Tiếp theo, cho nước sôi vào tiếp tục khuấy đều. Cuối cùng mới là đến nước mắm.
Sau khi đổ nước mắm vào, khuấy đều một lần nữa là xong! Nếu chị em thấy phần tỏi, ớt nổi lên trên bề mặt nước mắm, vậy thì bạn đã thao tác thành công rồi đấy!
Bí quyết để cho ớt và tỏi nổi lên trên mặt chén nước mắm: Bạn cần pha các nguyên liệu theo đúng tỉ lệ 1 mặn (nước mắm) – 1/2 chua (chanh) – 1 ngọt (đường) – 4 nhạt (nước lọc).
Khi làm nước mắm chua ngọt, bạn cần trộn tỏi ớt với nước cốt chanh, đường và nước trước như hướng dẫn bên trên. Sau đó cho hỗn hợp này vào chén nước mắm thì ớt tỏi sẽ nổi lên. Nếu bạn cho ớt tỏi vào nước mắm, sau đó mới cho nước cốt chanh và nước vào chén thì ớt tỏi sẽ bị chìm xuống.
2. Pha chế nước mắm dưa leo, đậu phộng
Nguyên liệu: 2 muỗng canh nước mắm đậm đà, 1 muỗng canh giấm, 1.5 muỗng canh đường, 2 muỗng canh đậu phộng rang giã nhỏ, 1 củ hành tím thái lát, 1 trái dưa leo non thái lát mỏng, 2 trái ớt thái lát mỏng.
Cách pha:
Cho vào bát 2 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng canh nước lọc, 1 muỗng canh đường cát trắng, 1 muỗng canh giấm, 1 muỗng canh nước cốt chanh và khuấy đều. Tiếp theo, cho hành tím, ớt cắt nhỏ, dưa leo, đậu phộng vào, khuấy lại 1 lần nữa.
Đối với loại nước chấm này, bạn chỉ nên sử dụng trong vòng 8 tiếng. Vì sau đó, dưa chuột sẽ hút chất mặn, làm nhạt nước chấm và dưa chuột khi đó sẽ mềm oặt, ăn không còn ngon nữa.
3. Pha chế nước tương “remix”
Nguyên liệu: 1 củ gừng băm nhỏ, 100gr hành lá cắt nhỏ, 1 muỗng canh dầu ăn, 1 muỗng canh giấm, 5 muỗng canh nước tương, 15gr đường kính.
Cách pha:
Cho 1 muỗng canh dầu ăn, 5 muỗng canh nước tương vào chảo và đun sôi trong khoảng 2 phút. Sau đó, cho lượng gừng đã băm nhuyễn và đảo sơ trong vòng 1 phút. Cuối cùng, cho hành lá và đường kính, đảo đều tay trong khoảng 30 giây. Đổ nước chấm ra bát và có thể thêm vài lát ớt nếu bạn thích ăn cay.
Nếu là một người thích ăn bánh chưng rán, loại nước tương này có thể sẽ khiến chị em tăng cân vù vù vì đây chẳng khác nào một “cặp đôi hoàn hảo.
Với 3 công thức pha chế nước chấm trên đây, hy vọng chị em sẽ có một cái Tết thật vui và ngon miệng.