Người đầu bếp có đôi tay vàng

Ngô Quốc Hùng hiện là đầu bếp chuyên nghiệp tại Khách sạn Hoà Bình (27 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm) – một trong những khách sạn lâu đời có kiến trúc đẹp nhất Hà Nội. Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, anh Hùng trở thành đầu bếp chuyên nghiệp với bậc 7/7 và 5 năm liền đạt Lao động tiên tiến cấp cơ sở

Nếu ai từng có cơ hội tham quan bếp chính của khách sạn năm sao bất kỳ, sẽ rất dễ để nhận ra đây là một không gian vô cùng thú vị. Sự thú vị này đến từ bầu không khí lúc nào cũng sôi nổi và hối hả, mỗi người mỗi việc luôn chân luôn tay. Đối với người ngoài cuộc thì vậy, nhưng công việc của người đầu bếp thực sự cực nhọc và áp lực.

“Đa số mọi người thường nghĩ đơn giản, nghề đầu bếp chỉ là công việc hàng ngày nấu ra những món ăn ngon. Nhưng họ không biết rằng, yêu nghề thôi chưa đủ, người đầu bếp còn phải đối mặt với vô vàn áp lực từ nhiều phía. Chỉ khi có đam mê và sự quyết tâm, mọi khó khăn mới có thể đương đầu và vượt qua” – anh Hùng cho biết.

Áp lực đầu tiên phải kể đến là yếu tố chuyên môn. Không phải tự dưng mà danh xưng đầu bếp lại được trao cho những người có thực lực. Theo anh Hùng, người đầu bếp phải có chuyên môn vững vàng thì mới sáng tạo và chế biến những món ăn ngon, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu của thực khách. Nếu không món ăn sẽ bị phàn nàn, đánh giá không cao tại những trang web uy tín, diễn đàn du lịch khiến doanh thu của nhà hàng, khách sạn giảm, nguy cơ mất việc là rất cao. Vì vậy, dù hoạt động trong nghề được bao lâu đi chăng nữa, một người đầu bếp thực thụ luôn nỗ lực hoàn thiện mình để làm hài lòng mọi thứ.

Áp lực thứ hai là sức khỏe. Anh Hùng phân tích, với tính chất của nghề cùng lúc phải phục vụ cho hàng trăm con người, phải hoạt động linh hoạt, nhạy bén mọi bộ phận trên cơ thể, từ tay, chân cho đến mắt, mũi, miệng… nếu không có sức khỏe, không thể sống lâu với nghề. Ngoài ra, nghề này không chấp nhận người đầu bếp mang bệnh tật trong người, đặc biệt là những bệnh có khả năng lây nhiễm. Điều này là tối kỵ trong nghề vì ảnh hưởng mang tính cộng đồng rộng lớn. Vì vậy, đối với nghề đầu bếp, sức khỏe là cực kỳ quan trọng.

Áp lực thứ ba là áp lực về công việc. Vào mùa cao điểm, lượng khách đông, thiếu nhân lực và nguyên liệu,…lại bị thực khách thúc giục. Nghề đầu bếp yêu cầu tính tỉ mỉ và cẩn thận, việc đảm bảo thức ăn được hoàn thiện với thời gian và chất lượng, số lượng đảm bảo là vô cùng cần thiết. Nếu món ăn có vấn đề, người đầu tiên chịu trách nhiệm chính là người đầu bếp. Vì vậy, tinh thần vững vàng, kỹ năng xử lý tình huống nhạy bén là những yếu tố cho một người đầu bếp có bản lĩnh. Một áp lực nữa là tính an toàn trong lao động. Việc thường xuyên phải sử dụng dao kéo, bếp lửa đồng nghĩa với nguy cơ tai nạn, cháy nổ là vô cùng cao. Vì vậy, người đầu bếp phải hết sức cẩn thận, chú ý an toàn trong quá trình làm việc.

Áp lực, vất vả là vậy, nhưng anh Hùng vẫn tự hào: “Nếu thực sự yêu nghề, có đam mê, năng lực, kỹ năng và sự quyết tâm… nghề đầu bếp nhất định sẽ mang lại nhiều hơn những gì đã mất. Đó không đơn giản chỉ là một nghề, đó là một môn nghệ thuật để khơi gợi và chinh phục các loại giác quan, cho chúng ta những trải nghiệm tuyệt vời trong ẩm thực. Ẩm thực là một di sản văn hóa, là thứ vừa quen thuộc vừa đa dạng, phản ánh rõ tâm hồn, tính cách và giá trị của mỗi dân tộc. Làm đầu bếp, cũng giúp tôi có có cơ hội được trải nghiệm, giao lưu văn hóa, nâng cao tay nghề với nhiều đầu bếp đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, được tham gia các cuộc thi, hội nghị quảng bá ẩm thực…”

Trong câu chuyện với anh Hùng, nhắc đến ẩm thực, dường như “máu nghề” đã ngấm trong người, anh nói hăng say, phân tích cặn kẽ những kỹ thuật nấu ăn ở nhiều vùng, miền trong ngoài nước. Hỏi về bí quyết nấu ăn, anh Hùng cho rằng phải biết dung hòa, khéo léo, chỉn chu và điều quan trọng nhất là đam mê, sáng tạo. Nghề nấu ăn tưởng không khó nhưng khi làm thì lại không dễ. “Ngon hay không chính ở nơi đầu lưỡi”. Vì thế, mỗi lần nấu ăn, anh đều dồn hết tâm huyết của mình để mang đến những món ăn đậm đà bản sắc Việt và phù hợp với khẩu vị phong phú của du khách khắp 5 châu.

Khách sạn Hòa Bình nơi anh làm việc thường xuyên phải đón tiếp những vị chính khách quốc tế, quan chức cao cấp của nhà nước. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Việt Nam gần đây, khách sạn đã phục vụ đoàn báo chí đến tác nghiệp từ các nước trên thế giới. Anh Hùng tiết lộ, khâu chuẩn bị cho “bữa tiệc đặc biệt” phục vụ đoàn nhà báo rất chỉnh chu với thực đơn dựa trên bốn yếu tố như tôn giáo, thói quen ăn uống, văn hóa ẩm thực của các nước và mong muốn được giới thiệu tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Tất cả các thức ăn dành cho hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước có công thức chế biến rất khoa học, và có bảng ghi chú cụ thể. Mỗi nhân viên đảm nhận một khâu, và thực hiện thật tốt nhất về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc chuẩn bị chu đáo nhất là một cách để quảng bá sự thân thiện và hình ảnh tươi đẹp của đất nước Việt Nam với bạn bè thế giới. Do đặc thù phục vụ cả phóng viên Việt Nam lẫn người nước ngoài nên các món ăn khá đa dạng, phong phú. Đây là điều đáng khâm phục. Nhiều thức ăn ngon, hợp khẩu vị được bạn bè thế giới đánh giá cao.

Dù vất vả, áp lực nhưng anh Hùng vẫn lạc quan cho rằng: “Hiện nay, theo tình hình phát triển chung của du lịch, khách sạn nhà hàng, nhu cầu thực khách lại tăng cao nên tương lai nghề bếp chắc chắn sẽ rất phát triển. Vì vậy các bạn trẻ hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình, chắc chắn sẽ thành công”.

P.B

Nguồn: Báo Lao động Thủ đô

Subscribe
Notify of
guest

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.

0 Comments
Inline Feedbacks
View all comments
0
Hãy đóng góp ý kiến của bạn nhé !x
()
x